Phẫu thuật nội soi chấn thương khớp phức tạp

Phẫu thuật nội soi chấn thương khớp phức tạp
Lần đầu tiên, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật nội soi thành công cho hai bệnh nhân bị chấn thương gãy trật khớp cổ chân tới muộn. Thành công này đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và mở ra hướng điều trị mới cho bệnh lý "khó nhằn" này trong ngành ngoại khoa.

Lần đầu tiên, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật nội soi thành công cho hai bệnh nhân bị chấn thương gãy trật khớp cổ chân tới muộn. Thành công này đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và mở ra hướng điều trị mới cho bệnh lý "khó nhằn" này trong ngành ngoại khoa.

 

Phẫu thuật nội soi bệnh lý ở khớp cổ chân được ứng dụng tại Bệnh viện Việt Đức từ cuối năm 2008, đến nay đã phẫu thuật cho gần 20 trường hợp bị mắc các bệnh lý: khối u ở khớp cổ chân, chấn thương khớp cổ chân đến sớm... Đây là hai trường hợp đặc biệt bởi bị gãy trật khớp cổ chân khá nặng, sau điều trị bằng nhiều phương pháp không mang lại hiệu quả và đã để lại di chứng nặng đã được phẫu thuật thành công bằng phương pháp này.

Rủi ro nhỏ - tai họa lớn

N. P. D., 22 tuổi (Cát Bà - Hải Phòng) bị tai nạn xe máy, gãy trật khớp cổ chân, bệnh viện tuyến dưới đã điều trị cho cô bằng bó bột. Hai tháng sau, cô được tháo bột và bắt đầu tập đi. Gần hai tháng sau đó, dù có nỗ lực tập luyện như bác sĩ đã chỉ dẫn, chân của D. vẫn không thể đi lại được vì rất đau, buộc cô phải chống nạng. D. gần như tuyệt vọng vì nghĩ từ đây mình sẽ thành người tàn tật. Từ một cô sinh viên trẻ trung, xinh đẹp và năng động, sau tai nạn rủi ro thì ngay cả những việc nhỏ D. cũng cần có sự hỗ trợ của người thân. D. thấy tương lai của cô thật đen tối...

Tương tự như D., bàn chân của anh Đ.X.L., 45 tuổi (Lào Cai) bị vẹo sau tháo bột do chấn thương khớp cổ chân. Dù anh L. đã đi chữa trị bằng nhiều biện pháp nhưng hầu như không mang lại kết quả khả quan. Cuộc sống của anh L. rơi vào bế tắc, bởi từ trước tới nay anh là trụ cột cho cả gia đình, vậy mà chỉ sau tai nạn tưởng như rất nhỏ đã khiến anh không thể đi lại được bình thường và trở thành gánh nặng cho gia đình.

Phẫu thuật nội soi mang lại hạnh phúc cho người bệnh

Nhưng may mắn đã mỉm cười với cả hai trường hợp trên khi họ đến Bệnh viện Việt Đức. Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, sau khi nghiên cứu kỹ bệnh án kết hợp hỏi han quá trình điều trị, TS. Ngô Văn Toàn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình đã quyết định phẫu thuật nội soi cho cả hai bệnh nhân này để sửa chữa di chứng, khắc phục hậu quả không tốt của lần điều trị trước. Và cả hai bệnh nhân cùng mừng vui khôn xiết bởi chỉ 2 tháng sau mổ, họ đã có thể tập đi. Hiện tại, D. đã có thể tự đi xe máy, chạy nhảy và có thể tham gia chơi một số môn thể thao yêu thích. Còn anh L. đã trở về với cuộc sống lao động thường ngày.

TS. Toàn cho rằng đây là hai trường hợp vô cùng may mắn bởi ca phẫu thuật của họ đã thành công hơn mong đợi. Bệnh viện Việt Đức là nơi thực hiện phẫu thuật nội soi khớp gối, khớp cổ chân đầu tiên tại Việt Nam và đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp bệnh lý khớp cổ chân được phát hiện sớm, do đó đây là lần đầu tiên ứng dụng phương pháp này thành công trên bệnh nhân bị chấn thương gãy trật khớp cổ chân tới muộn và đã để lại di chứng nặng nề.

 Từ việc đi lại bằng nạng, sau phẫu thuật, D. đã có thể tập thể dục và chơi môn thể thao yêu thích.

Khó khăn trong chẩn đoán...

TS. Toàn cho biết: Khớp cổ chân chỉ cần lệch 0,3mm cũng đã làm giảm 30% chức năng vận động. Tuy nhỏ hơn khớp gối và khớp háng, bề mặt sụn của khớp cổ chân mỏng, độ dày trung bình 3-4mm nhưng nó phải chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể người. Lực đó gấp 2-4 lần khi đi bộ, 6-8 lần khi chạy; ngoài ra, khớp cổ chân phải đảm nhiệm những nhiệm vụ phức tạp là loại vận động "đa trục" (gấp mu bàn chân, xoay ngoài, nghiêng ngoài; lấp lòng/xoay trong, nghiêng trong)... do đó, chỉ một chấn thương nhỏ cũng ảnh hưởng lớn tới chức năng vận động.

Lâu nay, bệnh lý khớp cổ chân được coi là "khó nhằn". Với bệnh lý ở khớp cổ chân, nếu bệnh nhân không được điều trị sớm, điều trị đúng có thể gây di chứng tàn phế suốt đời. Thương tổn của bệnh lý khớp cổ chân nhiều khi khó xác định do triệu chứng không rõ ràng. Mặc dù người bệnh thấy đau, có trở ngại trong vận động chức năng nhưng khi chụp chiếu lại không thấy gãy xương. Tại sao vậy? Bởi rất có thể tổn thương nằm sâu bên trong mà ngay cả khi áp dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng khó phát hiện nên không được điều trị đúng và kịp thời. 

Và ưu điểm của phẫu thuật nội soi

Theo TS. Toàn, phẫu thuật nội soi là một phương pháp mổ rất ưu việt, bởi nhờ sự phóng đại của hệ thống nội soi mà các bác sĩ có thể phát hiện và nhìn rõ các tổn thương trên màn hình mà với mắt thường không thể thấy. Qua đó giúp cho việc thực hiện các kỹ thuật một cách thuận lợi và chính xác, giúp phẫu thuật viên có thể chỉnh sửa được những sai sót nhỏ nhất của chấn thương. Kỹ thuật này cũng tránh xâm hại tới các tổ chức xung quanh; giúp bệnh nhân không phải mổ mở, mổ nhiều lần, chức năng khớp cổ chân sớm được phục hồi.

Tuy nhiên, TS. Toàn cũng nhấn mạnh rằng đây là một phẫu thuật khó, khó ngay từ khâu chẩn đoán bởi nó đòi hỏi phẫu thuật viên phải hiểu rõ vi cấu trúc cơ thể; quá trình gây chấn thương cũng là yếu tố rất quan trọng để phẫu thuật viên quyết định dùng phương pháp phẫu thuật nào cho bệnh nhân để đạt hiệu quả cao mà tránh được các thương tổn khác.       

Tác giả bài viết: Sưu Tầm Từ Internet