Phát hiện sớm và đúng bệnh chân tay miệng

Phát hiện sớm và đúng bệnh chân tay miệng
Tuy mùa dịch bệnh chân tay miệng mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều trẻ em nhập viện với biến chứng nặng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh, nên cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tuy mùa dịch bệnh chân tay miệng mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều trẻ em nhập viện với biến chứng nặng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh, nên cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Phát hiện sớm và đúng bệnh chân tay miệng

Virut đường ruột là nguyên nhân chính gây bệnh

Virut Entero 71 được xác định gây bệnh chân tay miệng là một loại virut đường ruột, gây bệnh chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa, trực tiếp phân – miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn… bị ô nhiễm phân người bệnh. Một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp.

Sau khi xâm nhập, virut đến cư trú tại họng và đoạn dưới của ống tiêu hóa. Trong vòng 24 giờ, chúng sẽ xâm nhập vào các hạch bạch huyết tại chỗ và tăng sinh tại đây. Giai đoạn này, virut được tìm thấy trong dịch cổ họng và trong phân của bệnh nhân.

Bệnh thường xảy ra vào mùa hè thu và gần như quanh năm ở các nước nhiệt đới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi. Hội chứng này mới được chú ý ở Việt Nam trong vài năm gần đây và thường bùng phát thành dịch mạnh ở các tỉnh phía Nam, ít gặp hơn ở các tỉnh phía Bắc.

Biến chứng viêm não có thể dẫn đến tử vong

Bệnh tay chân miệng do virut Entero 71 gây ra có những triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bong bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Những triệu chứng này khiến nhiều bác sĩ chẩn đoán nhầm là bệnh thủy đậu, nhiễm khuẩn da hay dị ứng…

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, đến ngày thứ 3, virut từ các hạch theo máu đến gây tổn thương tại da, niêm mạc, tiếp tục sinh sản rồi gây những triệu chứng đầu tiên.

Các tế bào dưới da và niêm mạc phình to, chứa nhiều dịch tiết, gây hoại tử, phù trong tế bào và quanh tế bào. Tổn thương chủ yếu ở các vùng miệng, tay và chân. Sau khi gây tổn thương da, niêm mạc, virut không nhân lên nữa, cơ thể xuất hiện kháng thể và hiện tượng nhiễm virut chấm dứt.

Ở một số trường hợp, virut từ da, niêm mạc trở vào máu lần thứ 2 để đến hệ thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não, liệt. Đồng thời, cơ thể sản xuất kháng thể và virut ở da, niêm mạc biến mất. Tuy nhiên, virut ở đường ruột có thể hiện diện kéo dài đến 17 tuần.

Trẻ nhỏ có thể có ban dạng sẩn vùng mông, nơi quấn tã lót. Trong giai đoạn diễn tiến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, ly bì, mê sảng hay co giật, có nhiều trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Bệnh nhi có thể tử vong hoặc phục hồi sau một thời gian điều trị, nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.

Phòng bệnh là biện pháp cơ bản

Nếu bệnh do các virut lành tính gây ra, bóng nước tự xẹp đi, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Nhưng nếu bệnh do virut Entero 71 gây ra thì có thể bị biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết rất dễ dẫn tới tử vong.

Trẻ mắc hội chứng chân – tay – miệng thường khỏi trong vòng 1 tuần nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn tiến nặng, bệnh sẽ gây những biến chứng rất nặng.

Có những trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhưng rất ít các triệu chứng hoặc không có các biểu hiện dễ nhận thấy như nổi bóng nước, nên nếu thấy trẻ có những triệu chứng bất thường kể trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Gia đình phải theo dõi sát sao trẻ ít nhất trong 8 ngày sau triệu chứng đầu tiên để phát hiện ngay các dấu hiệu biến chứng và đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Do đa số bệnh tay – chân – miệng sẽ tự khỏi nên đối với trường hợp không có dấu hiệu của biến chứng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa.

Hiện nay bệnh tay – chân – miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng ngừa nên cách phòng bệnh tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, cá nhân cho trẻ thật tốt. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước. Không cần kiêng gió và ánh sáng. Nên cho trẻ mắc bệnh nghỉ học và không cho tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây lan bệnh.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tác giả bài viết: Sưu Tầm Từ Internet